Chủ đề: Việt Nam Bảng đề mục

Nguyễn Minh Châu - trăn trở với những trang viết

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là người tiên phong trong việc đổi mới sáng tác văn học ngay từ đầu những năm 80. Nguyễn Minh Châu, qua hồi ức của tác giả Trần Đồng Minh, còn là người luôn chân thật với nghề nghiệp, với bạn bè...

Thành thật với nghề với bạn...

Người ta thường nhận xét khuôn mặt Nguyễn Minh Châu có cái khắc khổ của người dân cày Nghệ An với những nếp hằn suy tư. Điều đó đúng. Nhưng ông mang thêm nét hóm hỉnh của người lính. Nhìn tấm ảnh in trên bìa cuốn Trang giấy trước đèn (NXB Khoa học xã hội 1994) của ông (và cũng là ảnh thờ ở nhà), thấy ngay cái mũ nồi đội hơi lệch, cặp mắt sáng hơi nheo và cái miệng như cười. Tiếp xúc với ông một thời gian, tôi còn nhận rõ cốt cách nhà văn ở Nguyễn Minh Châu. Những dịp trò chuyện, ông thường thổ lộ nhiều tâm huyết về nghiệp văn. Tôi còn rất nhớ một lần ông ví von rằng văn chương tựa như đại số chứ không phải là số học. Lần khác ông lại bảo có khi viết cuốn tiểu thuyết năm, sáu trăm trang chỉ dành được một trang cho riêng mình. Ông là người rất chịu khó đọc. Hồi miền nam mới giải phóng, từ nguồn sách trong quân đội, ông ôm về ngấu nghiến, nghiền ngẫm đủ loại. Cũng qua ông mà tôi được đọc những cuốn Bản du ca cuối cùng của loài người, Không còn đất sống, Chiến hữu, Khải hoàn môn... đầy ắp những chi tiết hẫp dẫn của ngòi bút Remarque. Ông thích truyện của nhà văn Đức này. Ông cho biết đã học được ở tiểu thuyết Remarque lối kết cấu đa tuyến. Ông cũng mê văn Nam Cao và đã viết nhiều điều tâm đắc, thú vị về nhà văn hiện thực ấy. Cũng như Nam Cao, Nguyễn Minh Châu là một con người thành thật, thành thật với nghề, thành thật với mình, với bạn. Có lẽ vì tính cách chân thật cộng với tác phong nghiêm chỉnh của sĩ quan quân đội, ông không có lối sống "nghệ sĩ" buông thả. Trái lại, ông quan tâm chu đáo đến vợ con - những người vốn hiền lành, mềm yếu (bà vợ và ba cô con gái ông đều mảnh mai cả). Trong mấy cuốn truyện viết cho lứa tuổi nhỏ, Nguyễn Minh Châu tạo dựng vài nhân vật nữ trẻ rất dễ mến, dễ thương (như The, Phượng trong Những ngày lưu lạc...). Tôi cứ ngờ ngợ các nhân vật ấy mang hình bóng các con gái ông.

"Khai chiến" với chính mình

Hầu hết các bài phê bình, tiểu luận của Nguyễn Minh Châu đều thẳng thắn nêu ra ý thật, sâu và tinh. Trăn trở suy tư về việc cầm bút đương thời, Nguyễn Minh Châu viết: "Nhưng đôi khi chúng ta lại giống như người đi ra biển quá mải mê đi nhặt vỏ sò và san hô nhét đầy bị mà quên cả khung cảnh rộng lớn mênh mông của biển cả. Hãy để cho từng lớp sóng đại dương xô mình đi và hãy chiêm nghiệm, nghiền ngẫm dai dẳng trước từng con sóng bạc đầu ấy!", "Hình như cuộc chiến đấu anh hùng sôi nổi hiện nay đang được văn xuôi và thơ ca đôi khi tráng lên một lớp men "trữ tình" hơi dày, cho nên ngắm nó thấy mỏng mảnh, bé bỏng và óng chuốt quá..." và "Trên con đường đi đến chủ nghĩa hiện thực đôi khi chúng ta phải khai chiến cả với những quan niệm tốt đẹp và lâu dài của chính mình" (Trang giấy trước đèn). Phải chăng Nguyễn Minh Châu cũng từng "khai chiến" với những quan niệm đã định hình của chính mình? Cứ đọc tác phẩm của ông, ta có thể thấy Miền cháy mới hơn Dấu chân người lính, Bức tranh (lúc đầu được tác giả đặt tên là Cái mặt) mới hơn nhiều so với Mảnh trăng cuối rừng. Rồi Phiên chợ Giát lại là một tìm kiếm mới nữa trên đường văn nghiệp đầy thành công và khắc khoải của ông. Nguyễn Minh Châu còn viết những dòng, những trang chí lý chí tình về Phạm Tiến Duật, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao... Chẳng hạn ông nhận xét: "Nguyên Hồng viết văn như một lão thợ đấu cứ lễ mễ vác từng mảng thực tế sự đời mà huỳnh huỵch đắp lên mặt giấy" (Trang giấy trước đèn); Nam Cao thì "xua cái đạo quân chữ nghĩa mà ông đã dày công rèn giũa khí giới cùng bản lĩnh cao cường cho chúng, ra lệnh cho chúng cứ theo đội hình hàng dọc mà xông thẳng vào cái thế giới bên trong đầy tế vi, đầy mặc cảm, vừa vô sự vừa đa sự của cái anh giáo nghèo ấy, xông thẳng vào tận mọi ngóc ngách tính cách lẫn tâm sự sâu kín và hẹn cho chúng hội quân ở cái vùng tung thâm nhất thiết phải đánh chiếm kỳ được là các ngóc ngách của nhân cách..." (Trang giấy trước đèn). Ngòi bút phê bình tài tình của Nguyễn Minh Châu cũng đã điểm một dấu son vào văn phẩm Nguyễn Huy Tưởng: "Tôi đọc Sống mãi với thủ đô đã mấy chục năm nay thế mà vẫn còn giữ nguyên vẹn trong trí nhớ một chiếc lá sấu vàng khô cong như một tấm vàng giát, từ từ và lặng lẽ gieo mình xuống vạt cỏ ven hồ Gươm trong một buổi chiều mùa đông của năm ấy - mùa đông 1946 - trong một sắc trời một mầu xám đầy lạnh lẽo chứa đựng một cái gì gai gai, rờn rợn..." (Trang giấy trước đèn). Và nói gì thì nói, mặc dù còn một số điều cần bàn luận thêm, bài viết Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa vẫn tồn tại như một chiêm nghiệm, một tiếng nói để đời của Nguyễn Minh Châu.

Tôi đã làm quen với Nguyễn Minh Châu từ hồi ông còn ngụ tít trên mạn Quần Ngựa (Hà Nội) cho đến lúc dọn về khu tập thể khác ở phố Ông ích Khiêm. Không ít lần, nhất là những tối hơi lành lạnh, tôi ngồi với ông cùng thu mình lại bên chén trà nóng đậm. Tính ông trầm tĩnh, có thể nói là hiền hòa, chuyện trò nhỏ nhẹ, thỉnh thoảng điểm nụ cười vui và luôn lắng nghe nội tâm mình cùng nội tâm người đối thoại. Ông hút thuốc nặng, uống trà đặc và thường hay "đóng đinh" trên cái ghế ở góc khuất trong nhà để viết. Khi nhờ vào tiêu chuẩn của ông, vợ con ông được chuyển về khu tập thể quân đội đường Lý Nam Đế thì ông không còn nữa. Ông không kịp hưởng nơi cư trú rộng hơn, gần nơi làm việc hơn nhưng tôi cứ nghĩ ông đã cư ngụ ở nơi rộng lớn hơn cả là trong tâm hồn người đọc.

Tạp chí Thế giới mới

Thông tin
Người gửi jimduck gửi lúc 04/10/04 04:56   (cập nhật none)
Tác giả Trần Đồng Minh
Nguồn hanoi.vnn.vn 
Đánh giá none
Đã xem 2681, có tất cả 0 bình luận
Bình luận về bài viết
Đọc tất cả 0 bình luận | Gửi bình luận của bạn